Xử lý kỷ luật người lao động và nguyên tắc sự có mặt của đại diện công đoàn khi xử lý kỷ luật người lao động? Trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật lao động?
1. Xử lý kỷ luật người lao động và nguyên tắc sự có mặt của đại diện công đoàn khi xử lý kỷ luật người lao động?
Theo Điều 3 Bộ Luật lao động 2019 thì người lao động là người làm việc cho người sử dụng lao động theo thỏa thuận, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động.
Điều kiện về độ tuổi lao động tối thiểu của người lao động là đủ 15 tuổi trừ các trường hợp chưa đủ 15 tuổi sẽ được quy định khác.
Người sử dụng lao động theo quy định của Bộ luật lao động là doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng người lao động làm việc cho mình theo thỏa thuận; trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân thì phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
Nguồn lao động được coi là yếu tố không thể thiếu trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, hiện nay ở một vài quốc gia phát triển, việc già hóa dân số đang đe dọa trực tiếp đến sự tồn vong của quốc gia đó, điển hình như những nước có tỉ lệ sinh thấp như Nhật Bản, Na Uy, Thụy Điển,… . Chính vì vậy, ở các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, nguồn lao động đóng một vai trò hết sức to lớn trong việc tái thiết đất nước. Vì thế, pháp luật về lao động hết sức chú ý đến vấn đề xử lý kỷ luật người lao động.
Như chúng ta đã biết, đại diện tập thể người lao động hay nói cách khác là tổ chức công đoàn cơ sở có thể coi tổ chức nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động trong trường hợp quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động bị xâm hại theo quy định của pháp luật về lao động hiện hành, cụ thể là Bộ luật lao động 2019.
Theo đó, theo quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 122, Bộ luật lao động 2019 quy định về nguyên tắc xử lý kỷ luật người lao động thì khi tiến hành xử lý kỷ luật người lao động thì phải có mặt của địa diện tập thể người lao động tại cơ sở, ở đây có thể được hiểu là tổ chức công đoàn cơ sở. Tức là, khi xử lý kỷ luật người lao động thì sự có mặt của đại diện tập thể người lao động hay nói cách khác là tổ chức công đoàn cơ sở là điều kiện cần để tiến hành cuộc họp xử lý kỷ luật người lao động.
Ngoài quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 122, Bộ luật lao động 2019 thì sự có mặt của đại diện tập thể người lao động hay nói cách khác là tổ chức công đoàn cơ sở cũng được coi là điều kiện cần để tiến hành cuộc họp xử lý kỷ luật người lao động. Như vậy, theo quy định tại Khoản 4, Điều 70 Nghị định 145/2020/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động thì người có thẩm quyền xử lý kỷ luật lao động ban hành quyết định xử lý kỷ luật lao động và gửi đến các thành phần phải tham dự trong đó có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
2. Trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật lao động?
Theo Điều 70 Nghị định 145/2020/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động thì trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật lao động được quy định như sau:
1. Khi phát hiện người lao động có hành vi vi phạm kỷ luật lao động tại thời điểm xảy ra hành vi vi phạm, người sử dụng lao động tiến hành lập biên bản vi phạm và thông báo đến tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động là thành viên, người đại diện theo pháp luật của người lao động chưa đủ 15 tuổi. Trường hợp người sử dụng lao động phát hiện hành vi vi phạm kỷ luật lao động sau thời điểm hành vi vi phạm đã xảy ra thì thực hiện thu thập chứng cứ chứng minh lỗi của người lao động.
2. Trong thời hiệu xử lý kỷ luật lao động quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 123 của Bộ luật Lao động, người sử dụng lao động tiến hành họp xử lý kỷ luật lao động như sau:
a) Ít nhất 05 ngày làm việc trước ngày tiến hành họp xử lý kỷ luật lao động, người sử dụng lao động thông báo về nội dung, thời gian, địa điểm tiến hành cuộc họp xử lý kỷ luật lao động, họ tên người bị xử lý kỷ luật lao động, hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật lao động đến các thành phần phải tham dự họp quy định tại điểm b, điểm c khoản 1 Điều 122 của Bộ luật Lao động, bảo đảm các thành phần này nhận được thông báo trước khi diễn ra cuộc họp;
b) Khi nhận được thông báo của người sử dụng lao động, các thành phần phải tham dự họp quy định tại điểm b, điểm c khoản 1 Điều 122 của Bộ luật Lao động phải xác nhận tham dự cuộc họp với người sử dụng lao động. Trường hợp một trong các thành phần phải tham dự không thể tham dự họp theo thời gian, địa điểm đã thông báo thì người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận việc thay đổi thời gian, địa điểm họp; trường hợp hai bên không thỏa thuận được thì người sử dụng lao động quyết định thời gian, địa điểm họp;
c) Người sử dụng lao động tiến hành họp xử lý kỷ luật lao động theo thời gian, địa điểm đã thông báo quy định tại điểm a, điểm b khoản này. Trường hợp một trong các thành phần phải tham dự họp quy định tại điểm b, điểm c khoản 1 Điều 122 của Bộ luật Lao động không xác nhận tham dự cuộc họp hoặc vắng mặt thì người sử dụng lao động vẫn tiến hành họp xử lý kỷ luật lao động.
3. Nội dung cuộc họp xử lý kỷ luật lao động phải được lập thành biên bản, thông qua trước khi kết thúc cuộc họp và có chữ ký của người tham dự cuộc họp quy định tại điểm b, điểm c khoản 1 Điều 122 của Bộ luật Lao động, trường hợp có người không ký vào biên bản thì người ghi biên bản nêu rõ họ tên, lý do không ký (nếu có) vào nội dung biên bản.
4. Trong thời hiệu xử lý kỷ luật lao động quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 123 của Bộ luật Lao động, người có thẩm quyền xử lý kỷ luật lao động ban hành quyết định xử lý kỷ luật lao động và gửi đến các thành phần phải tham dự quy định tại điểm b, điểm c khoản 1 Điều 122 của Bộ luật Lao động.