Khái niệm tranh chấp lao động
Tranh chấp lao động là tranh chấp về quyền và nghĩa vụ, lợi ích phát sinh giữa các bên trong quá trình xác lập, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ lao động; tranh chấp giữa các tổ chức đại diện người lao động với nhau; tranh chấp phát sinh từ quan hệ có liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động.
Các tranh chấp lao động có thể do những nguyên nhân kinh tế, xã hội khác nhau tạo nên. Sự khác biệt, xung đột về địa vị, giai tầng xã hội, cách ứng xử, văn hóa và nguyên nhân xuất phát từ lợi ích kinh tế là những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tranh chấp lao động.
Đặc điểm của tranh chấp lao động
Chủ thể của tranh chấp lao động: Tranh chấp lao động có hệ thống chủ thể riêng, bao gồm: Người lao động, người sử dụng lao động, tập thể lao động và đại diện của người lao động, đại diện của người sử dụng lao động.
Phạm vi tranh chấp: Tranh chấp lao động là loại tranh chấp xuất hiện, tồn tại trong phạm vi của quá trình lao động. Vì vậy, tất cả các hoạt động trong quá trình lao động diễn ra hàng ngày đều có thể sẽ dẫn đến tranh chấp nếu vi phạm pháp luật lao động hoặc vi phạm thỏa thuận giữa các bên.
Về nội dung tranh chấp: Tranh chấp lao động có nội dung khá đặc trưng, đó là những giá trị vật chất, tinh thần gắn liền với lao động hay nói cách khác đó là các quyền, lợi ích gắn với nghề nghiệp. Những khoản tiền lương, phụ cấp, ký kết hợp đồng lao động, chấm dứt hợp đồng lao động, việc thành lập công đoàn… đều là những vấn đề quen thuộc của quá trình lao động và đây chính là những nội dung trong tranh chấp lao động.
Về ảnh hưởng xã hội: Tranh chấp lao động có sự ảnh hưởng rất lớn tới đời sống lao động và đời sống kinh tế - xã hội, đời sống chính trị. Các tranh chấp lao động rất có thể dẫn đến các cuộc đình công của người lao động trong một doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức. Các tranh chấp lao động có quy mô lớn, các tranh chấp lao động dẫn đến đình công có thể làm xáo động các quan hệ kinh tế - xã hội khác. Có những tranh chấp lao động có thể gây ra những ảnh hưởng sâu sắc tới đời sống chính trị của quốc gia và thậm chí là các vấn đề quốc tế có liên quan.
Xem thêm: 500+ câu hỏi liên quan luật lao động mới nhất
Tranh chấp lao động có những loại nào?
Tranh chấp lao động có thể được phân thành các loại khác nhau tùy thuộc vào căn cứ phân loại cũng như dụng ý của người phân loại. Theo cách phân loại thông thường, dựa vào nội dung của tranh chấp lao động, các tranh chấp lao động gồm: tranh chấp về việc làm, tranh chấp về tiền lương và các khoản thu nhập, tranh chấp về điều kiện làm việc, tranh chấp về các khoản bồi thường do một bên bị thiệt hại, tranh chấp về giao kết – thực hiện – chấm dứt hợp đồng lao động, tranh chấp về ký kết – thực hiện – chấm dứt thỏa ước lao động tập thể, tranh chấp về các vấn đề liên quan tới quyền thành lập – gia nhập – hoạt động công đoàn, tranh chấp liên quan tới thái độ và cách ứng xử, hành xử trong lao động, tranh chấp xung quanh việc xử lý kỷ luật lao động…
Nếu phân loại theo đối tượng tranh chấp thì tranh chấp lao động được chia thành tranh chấp lao động về quyền và tranh chấp lao động về lợi ích.
Nếu phân loại theo tính chất của hệ thống chủ thể tham gia tranh chấp, pháp luật phân chia tranh chấp lao động thành: tranh chấp lao động cá nhân và tranh chấp lao động tập thể. Trong đó, tranh chấp lao động cá nhân gồm: Tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động với người sử dụng lao động; giữa người lao động với doanh nghiệp, tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; giữa người lao động thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại. Tranh chấp lao động tập thể bao gồm tranh chấp lao động tập thể về quyền hoặc về lợi ích giữa một hay nhiều tổ chức đại diện người lao động với người sử dụng lao động hoặc một hay nhiều tổ chức của người sử dụng lao động.
Cách thức giải quyết tranh chấp lao động?
Cách thức giải quyết tranh chấp lao động cá nhân
Tranh chấp lao động cá nhân phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết, trừ các tranh chấp lao động sau đây không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải:
- Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;
- Về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;
- Giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động;
- Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, về bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về việc làm, về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động;
- Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
- Giữa người lao động thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại.
Sau khi hòa giải mà không thành công thì các bên trong tranh chấp sẽ lựa chọn một trong hai phương thức sau:
- Yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết
- Yêu cầu Tòa án giải quyết
Cách thức giải quyết tranh chấp lao động tập thể
Đối với tranh chấp lao động tập thể, thì các bên trong tranh chấp cũng phải thực hiện giải quyết tranh chấp bằng hòa giải. Nếu trong quá trình hòa giải mà hòa giải viên phát hiện có sự khác nhau trong việc hiểu và thực hiện quy định của pháp luật về lao động; người sử dụng lao động có hành vi phân biệt đối xử đối với người lao động, thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động vì lý do thành lập, gia nhập, hoạt động trong tổ chức đại diện người lao động; can thiệp, thao túng tổ chức đại diện người lao động; vi phạm nghĩa vụ về thương lượng thiện chí thì hòa giải viên sẽ lập hồ sơ gửi lên trọng tài hoặc Tòa án để tiến hành giải quyết.
Kết thúc thời gian hòa giải mà hòa giải không thành công thì các bên trong tranh chấp tiến hành giải quyết tranh chấp lao động qua hòa giải viên hoặc qua Tòa án.
Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tranh chấp lao động. Mỗi tranh chấp lao động sẽ liên quan đến các chủ thể khác nhau trong quan hệ lao động. Cách thức giải quyết tranh chấp lao động cũng có sự khác biệt với các loại tranh chấp khác khi phải tiến hành hòa giải trước rồi mới được tố tụng tại Tòa án.